Tin mới nhất

Trải nghiệm Apple Intelligence trên macOS Sequoia 15.1: Điều gì làm nên sức hút?

macOS Sequoia 15.1 chính thức ra mắt, lần đầu tiên tích hợp Apple Intelligence trên dòng chip M, kèm theo nhiều cải tiến mới cho Siri và tính năng soạn thảo văn bản.

Dù nhiều tính năng đã xuất hiện ở phiên bản macOS Sequoia 15.0 rồi và mình cũng đã đánh giá tất tần tật những tính năng mới. Tuy nhiên, tính năng Apple Intelligence lại là một điểm sáng khi lần đầu tiên hệ máy Mac có được, với mình thì các tính năng hỗ trợ viết lách bằng AI có vẻ là rất phù hợp với một thiết bị như dòng Mac đấy, nhưng thực tế ra sao, hãy cùng Sforum tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Apple Intelligent xuất hiện: có thể gọi bằng Siri hoặc nhấn phím gọi, viết đề xuất.

Siri là một trong những trợ lý đắc lực nhất trong nhiều năm trong trở lại nay, mà điều làm cho Siri rất tiện trên iPad và iPhone là vì các thiết bị này đều có micrô để bạn có thể gọi “Hey, Siri” hoặc chỉ “Siri” và về cơ bản có Apple Intelligence lắng nghe những gì bạn muốn.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Đúng là MacBook Pro và MacBook Air cũng được trang bị micro, nhưng chắc hẳn là thói quen sử dụng của chúng ta sẽ hơi khác khi dùng với điện thoại, phải không nào?

Với iPhone, Siri có thể chạy song song khi bạn khi bạn làm việc, vì vậy mỗi khi bạn yêu cầu Siri làm điều gì đó như hỏi về thời tiết chẳng hạn, bạn vẫn sẽ vừa tiếp tục công việc của mình, vừa nhận được kết quả thời tiết trong ngày hôm đấy. Tuy nhiên, trên mẫu máy MacBook Air M2 mà mình đang trải nghiệm macOS mới nhất, bạn phải dừng những gì bạn đang làm để ”nói chuyện” với Siri, với mình thì điều này hơi… phiền một tí.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1
Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Ngoài việc nói trực tiếp ”hey Siri” ra thì bạn cũng có thể nhấn tổ hợp phím FN + phím space, hoặc là bạn có thể trực tiếp search trên thanh công cụ, cả hai cách đều có thể ”báo hiệu” cho Siri xuất hiện và hỗ trợ bạn ngay lập tức. Bạn cũng có thể viết đề xuất trực tiếp trên máy luôn, cứ như là dùng ChatGPT vậy đó – riêng khoản này thì mình cảm thấy khá thú vị.

Chưa kể là, Siri giờ đây có thể hiểu và giải thích bạn tốt hơn nếu bạn đưa ra câu hỏi không quá sát nghĩa, làm cho các tương tác giữa bạn và Siri được tự nhiên, ít cứng nhắc hơn.

Vì vậy, không phải Apple Intelligence và Siri không thể được gọi trên máy Mac, nhưng quan trọng lại nằm ở cách chúng ta sử dụng máy Mac và iPhone là khác nhau. Nhưng mình nghĩ rằng, sắp tới mình sẽ sử dụng tính năng viết đề xuất trực tiếp khá nhiều đó, chỉ là nó sẽ hơi khác cách mình hay sử dụng Siri trên điện thoại mà thôi.

Soạn thảo và viết lại văn bằng Tiếng Anh, dùng được trên mọi app

Đúng là, Apple Intelligence sẽ hoạt động ngay dưới nên, cũng như chờ đợi bất kỳ yêu cầu Siri nào đến từ người dùng. Điều này có thể khiến cho nhiều bạn có phần ”xem nhẹ” AI mà Apple tạo ra, để lấy lại ”công bằng” cho nhà Táo thì mình thực sự rất thích tính năng Writing Tools hay soạn thảo văn bản trên có trên phiên bản macOS lần này.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Và tính năng này sẽ chạy song song với mọi nơi mà người dùng nhập, như thanh công cụ tìm kiếm, bài luận văn trên Word hay bài Essay trên Doc chẳng hạn, tính năng sẽ hỗ trợ viết lại đoạn văn giúp câu từ được trôi chảy hơn.

Kèm đó là tính năng Proofread giúp đưa ra đề xuất cho phần nội dung mà bạn đang viết, giúp bạn có nhiều ý tưởng hơn, cũng như là giúp bạn tránh những lỗi không đáng tiếc về chính tả hay cấu trúc câu chẳng hạn.

Đặc biệt hơn là giờ đây bạn có thể tóm tắt văn bản ngay trong ứng dụng người dùng đang làm việc, như bạn đang làm một bài báo cáo để gửi cho sếp chẳng hạn, tính năng này cũng sẽ giúp tóm lại những ý đắt giá nhất, qua đó giúp sếp có thể nhận thấy và lưu ý rõ hơn.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Tuy nhiên, hiện tính năng này chỉ hỗ trợ cho ngôn ngữ Anh mà thôi và hiện Apple cũng chưa đưa ra thông báo về tính khả dụng cho tiếng Việt trong tương lai gần, nhưng mình có thể hi vọng rằng những phiên bản cải tiến sau vài tháng nữa.

Mail: Tóm tắt nội dung ngắn gọn, có thể lọc mail ưu tiên giúp bạn

Dành cho những bạn làm văn phòng, nhất là những bạn luôn phải làm việc với khách hàng thông qua email thì giờ đây macOS 15.1 đã có thêm tính năng tóm tắt nội dung trên mail, việc có thể tinh giảm chữ và giữ lại chất lượng trong câu từ chắc hẳn là rất thiết thực.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1
Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Bên cạnh đó, Apple Intelligence có thể giúp bạn có được một ngày làm việc hiệu quả và nhanh chóng hơn, nhờ vào tính năng lọc ưu tiên được các mail quan trọng và thường xuyên sử dụng. Qua đó, khi mở mail lên, thứ đón chờ bạn không phải là một ”nùi” thông báo nữa, mà là những mail công việc quan trọng hay là thông báo đơn hàng của sàn S chẳng hạn – khá thiết thực nhỉ?

Ngoài ra thì phiên bản macOS này cũng mang tới thêm tính năng tập trung mới là Reduce Interruptions (tạm dịch: giảm thiểu gián đoạn) với chức năng chính là sẽ chuyển tiếp nhiều thông báo quan trọng đối với bạn hơn, và giảm thiểu những tin nhắn phiền phức ảnh hưởng đến người dùng.

Tuy vậy thì bất cứ điều gì mà mình muốn được thông báo trên máy Mac thì đã nhận được rồi. Vì vậy, có những cái mới bật lên từ iPhone chỉ làm tăng thêm sự gián đoạn.

Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Đánh giá macOS Sequoia 15.1

Dọn dẹp ảnh

Thêm một tính năng mà mình thấy rất thích, đó là tính năng xử lý hình ảnh bằng AI giúp bạn có thể xóa bỏ các chi tiết dư thừa không mong muốn trong ảnh. Mình cũng đã có thử qua bức ảnh với chiếc mũ lưỡi trai này, thì như bạn có thể thấy ở tấm hình bên trái, cạnh bên là một tờ giấy được đặt ở vị trí không đẹp lắm.

Sau khi mình xử lý bằng tính năng mới của hệ thống Apple Intelligence, ngay lập tức phần chi tiết này đã bị cắt bỏ mà không ”để lại vụn” nào. Ngay cả phần vân mặt bàn bằng gỗ cũng được xử lý, tinh chỉnh lại rất tốt nên mình thậm chí còn tưởng rằng tấm ảnh bên phải là ảnh gốc cơ đó! Chắc hẳn đây sẽ là một tính năng mà những bạn thích chụp và chỉnh sửa hậu kỳ sẽ rất thích đây.

Điểm benchmark hiệu năng: Bị giảm đáng kể

Sau khi mình nâng cấp lên phiên bản macOS mới thì ngoài việc trải nghiệm các tính năng mới, thì mình cũng có test qua thử hiệu năng của máy thông qua phần mềm Geekbench 6 chuyên dụng để đánh giá hiệu năng. Thì ngạc nhiên thay, kết quả đo được trên chiếc máy MacBook Air M2 của mình lại có một sự chênh lệch một chút so với phiên bản macOS Sequoia 15.0.

Apple Intelligence trên macOS Sequoia 15.1

Cụ thể, mình đã test qua cả 3 tiêu chí đơn nhân, đa nhân và OpenCL để có cái nhìn tổng qua nhất về sự thay đổi hiệu suất của máy. Thì sau khi mình update lên phiên bản 15.1 mới nhất, cả 3 điểm đơn nhân, đa nhân và cả OpenCL dành cho các tác vụ đồ họa cũng bị giảm sút một chút so với phiên bản 15.0.

Đối với mình thì điều này khá là đáng lưu ý mỗi khi mình khuyên mọi người có hoặc không nên update hệ điều hành, thì đối với sự sụt giảm hiệu suất lần này, cá nhân mình thấy là có lẽ phiên bản hệ điều hành này vẫn chưa tối ưu cho lắm nhất là khi Apple đã cố tình mang cả một hệ thống AI đầy mới mẻ này lên dòng Mac – nên cũng phần nào chúng ta có thể hiểu được.

Thế nên nếu bạn là một người kỹ tính và không muốn mất sự ổn định hiện có trên phiên bản hệ điều hành hiện tại, mình khuyên là bạn nên chờ đợi 1-2 bản chấp vá mới để phiên bản macOS sequoia này ổn định hơn. Còn nếu bạn là một người như mình – một người ham tìm tòi, vọc vạch cái mới thì mình nghĩ là sự sụt giảm hiệu suất này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đâu, nhất là những bạn không có nhu cầu sử dụng quá nhiều tác vụ nặng.

Tạm kết

Hiện tại thì phiên bản macOS 15.1 đã khả dụng cho tất cả các máy Mac sử dụng dòng chip M rồi, có nghĩa là những người dùng MacBook Air M1 giờ vẫn có thể cập nhật đầy đủ đấy! Nhìn chung thì mình nghĩ đây là một bản cập nhật rất thú vị nếu ta so với phiên bản macOS 15.0 đầu tiên với sự xuất hiện của Apple Intelligence.

Mình nghĩ là với sự hỗ trợ đắt lực của hệ thống AI mới, bạn sẽ có một trải nghiệm mới mẻ và tiện dụng hơn rất nhiều, nhất là những bạn học sinh, sinh viên và người làm văn phòng thường xuyên xử lý các tác vụ làm báo cáo, mời chào khách hàng,… tính năng soạn thảo và viết lại chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều, nhất là giờ đây bạn không còn phải lệ thuộc vào phần mềm thứ ba như Grammarly nữa.

Tuy vậy thì không hẳn phiên bản macOS 15.1 là không có vấn đề, như mình đã bàn ở trên, việc sụt giảm hiệu suất rõ ràng là một vấn đề khá nghiệm trọng và mình nghĩ là Apple nên ”xoắn tay áo lại” và fix ngay lập tức, nếu không sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của các iFan như mình, không ít thì nhiều.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact